Diễn văn của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

trước các vị đại diện đời sống công cộng

và trước các cư dân của đảo Lesbos

“Chỉ ai phục vụ trong Tình Yêu, người ấy mới có thể kiến tạo hòa bình!”

71

Trọng kính ngài lãnh đạo chính quyền,
kính thưa quý vị đại diện đời sống chính trị và công cộng,
anh chị em thân mến,

Kể từ khi Lesbos trở thành một bến tầu cho nhiều người di dân trong cuộc kiếm tìm hòa bình và phẩm giá, tôi luôn mong muốn được đến đây. Hôm nay tôi xin tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban điều đó cho tôi. Tôi xin cám ơn Ngài tổng thống Paulopoulos vì ngài đã mời tôi cùng với Đức Thượng Phụ Bartholomäus và Đức Tổng Giám Mục Hieronymos.

Tôi xin bày tỏ niềm cảm phục của tôi với dân tộc Hy-lạp: Bất chấp những khó khăn to lớn mà họ phải quan tâm tới, họ vẫn hiểu để giữ cho tấm lòng và cho những cánh cửa của mình luôn được mở ra. Nhiều người đơn thành đã đưa một số những gì mà họ đang có ra để cho người khác sử dụng, để chia sẻ nó với những người mà họ đang thiếu thốn đủ thứ. Thiên Chúa sẽ biết tới để thưởng công cho sự quảng đại của dân tộc này, cũng như cho sự quảng đại của các quốc gia lân cận khác mà ngay từ đầu, với sự sẵn sàng to lớn, họ đã đón nhận rất nhiều những người bị ép buộc phải di cư.

Sự hiện diện đầy quảng đại của rất nhiều các tình nguyện viên cũng như của vô vàn các hiệp hội mà họ đã và đang tiếp tục đóng góp sự giúp đỡ của họ cùng với các cơ quan công quyền khác nhau, cũng là một phúc lành dồi dào. Vì thế, các tình nguyện viên và các hiệp hội ấy đang diển tả một sự gần gũi huynh đệ trong sự cụ thể.

Với một con tim phiền muộn, ngày hôm nay tôi tái kêu gọi mọi người hãy thể hiện trách nhiệm và tình liên đới khi chứng kiến một hoàn cảnh hết sức bi ai. Rất nhiều người tị nạn mà họ đang hiện diện trên hòn đảo này và tại nhiều khu vực khác nhau của Hy-lạp, đang phải sống trong những hoàn cảnh đáng lo ngại, trong một bầu khí sợ hãi, nặng nề, và đôi khi tuyệt vọng vì những khó khăn vật chất và sự bất an của tương lai.

Những lo lắng của các cơ quan cũng như của những con người ở đây, trong đất nước Hy-lạp này, cũng như tại những quốc gia Âu Châu khác, là điều dể hiểu và hợp lý. Tuy nhiên, người ta không được phép quên rằng, ở vị trí đầu tiên, những người di dân không phải là những con số, nhưng là những con người, những khuôn mặt, những tên gọi và những câu chuyện. Âu Châu chính là quê hương của nhân quyền, và bất kỳ ai khi đặt chân tới đất Châu Âu cũng đều phải có thể cảm nhận được điều đó; và vì thế, chính người ấy sẽ ý thức một cách rõ ràng hơn rằng, mình phải kính trọng cũng như phải bảo vệ những quyền lợi của con người. Nhưng thật đáng tiếc, một số người – trong đó có nhiều trẻ em – chưa bao giờ đi tới nơi: Họ đã mất mạng trên biển như là những nạn nhân của những cuộc hành trình phi nhân dưới sự hoạnh họe của những kẻ hành hạ đê tiện.

Anh chị em cư dân của đảo Lesbos đang minh chứng rằng, trong những khu vực này, trong cái nôi của nền văn minh, con tim của một nhân loại mà nó biết nhận ra trước hết trong người khác một người anh em hay một người chị em, vẫn còn đang đập; đó là con tim của một nhân loại muốn kiến tạo những cây cầu và lùi bước trước sự ảo tưởng trong việc dựng lên những hàng rào để cảm thấy mình an toàn hơn. Trong thực tế, những rào cản chỉ tạo ra những mối căng thẳng và chia rẽ thay vì phục vụ sự phát triển đích thực của các dân tộc; và những mối căng thẳng và chia rẽ ấy, không sớm thì muộn, cũng sẽ dẫn tới những cuộc đụng độ.

Để thực sự liên đới với những người mà họ đang bị ép buộc phải trốn khỏi quê hương xứ sở của mình, người ta phải dấn thân hầu loại bỏ những nguyên nhân dẫn tới thực tế bi ai này. Sẽ là điều chưa đủ nếu chỉ hạn chế trong việc gặp gỡ và đối diện với tình trạng khẩn cấp trước mắt, nhưng những kế hoạch chính trị có tầm nhìn xa và không chỉ mang tính một chiều, một vế, sẽ phải được thúc đẩy và phát triển. Sự kiến tạo hòa bình tại nơi mà chiến tranh đang gây ra sự tàn phá và chết chóc, và ngăn ngừa không cho khối u này phát tán sang nơi khác, chính là việc cần phải làm trước tiên. Vì thế người ta phải cương quyết đấu tranh chống lại việc phổ biến và buôn bán vũ khí, cũng như chống lại những âm mưu đen tối mà chúng thường được liên kết với việc buôn bán và phổ biến vũ khí. Ai theo đuổi những kế hoạch hận thù và bạo lực, người ấy sẽ phải bị tước đoạt khỏi mọi sự hỗ trợ. Trái lại, sự cộng tác giữa các quốc gia, giữa các tổ chức quốc tế và giữa các tổ chức nhân đạo phải được thúc đẩy một cách không biết mệt mỏi, và những người mà họ đang phải đối diện với những hoàn cảnh nguy ngập, sẽ không được phép bị cách ly, nhưng phải được hỗ trợ. Trong ý nghĩa này, tôi xin tái bày tỏ niềm hy vọng của tôi rằng, hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về việc cứu trợ nhân đạo (World Humanitarian Summit) mà nó sẽ diễn ra tại Istanbul (Thổ-nhĩ-kỳ) vào tháng tới, sẽ có được sự thành công.

Người ta chỉ có thể thực hiện được tất cả những điều trên khi người ta cùng cộng tác: Những giải pháp xứng nhân phẩm sẽ có thể, cũng như sẽ phải được cùng tìm kiếm cho những vấn nạn phức tạp của sự tị nạn. Và ở đây, sự đóng góp của các Giáo hội cũng như của các cộng đồng tôn giáo khác là điều rất cần thiết. Sự hiện diện của tôi ở đây cùng với Đức Thượng Phụ Bartholomäus và Đức Tổng Giám Mục Hieronymos chứng thực cho niềm mong muốn của chúng tôi trong việc cùng cộng tác cho việc đó, hầu cho sự thách đố lớn nao này sẽ không trở thành những cơ hội dẫn tới những cuộc đụng độ, nhưng trở thành một cơ hội để phát triển nền văn hóa Tình Thương.

Anh chị em thân mến, khi tận mắt chứng kiến những thảm kịch mà chúng đang gây tổn thương cho nhân loại, Thiên Chúa sẽ không bao giờ thờ ơ lãnh đạm, và Ngài cũng không đứng nhìn từ xa. Ngài là Cha chúng ta, Đấng hỗ trợ chúng ta trong công cuộc kiến tạo những điều thiện hảo và trong sự khước từ sự ác – và không chỉ hỗ trợ, nhưng trong Chúa Giê-su, Ngài vạch ra cho chúng ta con đường dẫn tới hòa bình. Khi tận mắt chứng kiến sự ác trong thế giới, Ngài đã tự biến mình thành người phục vụ chúng ta, và với sứ vụ Tình Yêu của Ngài, Ngài đã cứu độ thế giới. Đó là quyền năng đích thực, quyền năng ấy đưa đến hòa bình. Chỉ ai phục vụ trong Tình Yêu, người ấy mới có thể kiến tạo hòa bình. Sự phục vụ làm cho người ta đi ra khỏi chính mình và đón nhận người khác, và không cho phép xảy ra chuyện nhân loại và những điều thuộc về nhân loại sẽ đi tới chỗ diệt vong, nhưng biết cách bảo vệ nó, bằng cách là người ấy thắng vượt lớp vỏ dầy cộm của sự thờ ơ lãnh đạm mà nó đang che phủ con tim và tinh thần.

Tôi xin cám ơn quý vị vì quý vị chính là những nhà bảo vệ nhân loại, quý vị đang chăm sóc cho thân thể của Chúa Ki-tô với trọn Tình Yêu. Ngài đang phải khổ đau trong những con người bé nhỏ nhất, trong những con người đói khát và trong những khách lạ mà quý vị đã đón nhận (xc. Mt 25,35). 

Ευχαριστώ!

Đảo Lesbos, Hy-lạp, thứ Bảy ngày 16 tháng 04 năm 2016

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu – chuyển ngữ