Giới Y tế Công giáo TGP: Mừng lễ bổn mạng

WGPSG -- "Tôi có chọn làm người Samaria trông thấy người bị nạn, chạnh lòng thương, đến gần, chia sẻ, đồng hành và mời gọi người khác giúp đỡ không?” Linh mục (Lm) chủ tế GB Phương Đình Toại, MI, đã kết thúc bài giảng như thế khi cùng Lm Phaolô Nguyễn Như Hiếu, MI, dâng Thánh lễ Tạ ơn và mừng Thánh Camillo De Lellis, bổn mạng Giới Y tế Công giáo (YTCG) Tổng Giáo phận Sài Gòn, được cử hành lúc 09g00 sáng Chúa nhật 23.7.2017, tại Nhà nguyện Dòng Thánh Phaolô.

Hiện diện trong buổi lễ có quý cha và quý thầy Dòng Camillô (Dòng Tá viên Mục vụ Bệnh nhân) với Linh đạo của Dòng: "Chăm sóc người bệnh như mẹ hiền chăm sóc đứa con duy nhất của mình", và quý anh chị em trong giới YTCG.

Từ 8g30 sáng, các thầy và nhiều anh chị em đã quy tụ trong khuôn viên xanh mát của Dòng Phaolô.

Thánh lễ mừng bổn mạng

Thánh lễ bắt đầu lúc 09g00. Lm chủ tế đã đọc hai đoạn Phúc Âm 'cỏ lùng' của Thánh Matthêu và 'người Samaria" của Thánh Luca.

Trong bài giảng, Lm GB nói: “Tin Mừng Matthêu gợi lên cho chúng ta thấy lòng khoan dung vô bờ của Chúa. Ngài không nhìn tội ta như ta làm vì Ngài hiểu chúng ta phạm tội vì sợ. Chúa cho chúng ta thời gian thực tại vì Chúa tiếp tục gieo hạt giống tốt vào đời chúng ta. Còn chúng ta gieo cái gì trong lòng người thân và bệnh nhân?”.

Ngài diễn giảng tiếp: Tin Mừng Luca cho thấy bốn người bị tổn thương:

- Tên cướp bị tổn thương vì thiếu tình thương của xã hội.

- Nạn nhân bị tổn thương vì bị bỏ rơi.

- Người Samaria bị tổn thương vì bị kỳ thị.

- Tư tế bị tổn thương vì sự mong đợi (y bác sĩ chúng ta cứ phải chạy theo sự mong đợi của mọi người, đến một lúc nào đó con tim chúng ta sẽ bị xơ cứng).

Cỏ lùng đã làm chúng ta trở nên như thế nào? Tôi có chọn làm người Samaria trông thấy người bị nạn, chạnh lòng thương, đến gần, chia sẻ, đồng hành và mời gọi người khác giúp đỡ không? Chúng ta hãy cầu nguyện liên lỉ để được bao dung tha thứ như Chúa, hầu có thể làm ra lúa tốt cho cuộc đời.

Kết thúc Thánh lễ, Lm chủ tế đã đặt ra ba câu hỏi để các anh chị em thảo luận trong nửa giờ. Bác sĩ Phan Văn Dũng (Trưởng nhóm Giới YTCG) đã chia các tham dự viên ra làm ba tổ, vừa ăn nhẹ vừa đóng góp ý kiến.

Sinh hoạt - Thảo luận

Hết 30 phút thảo luận, trước khi đại diện của ba tổ đúc kết, bác sĩ Dũng thông báo: Các hoạt động thiện nguyện của Giới YTCG thường kết hợp với Caritas. Trong tương lai, ở đâu cần, về đề tài gì, sẽ mời các chuyên viên đến thuyết trình.

Các chương trình sắp tới gồm có:

- Thuyết trình đề tài "Hiếm muộn" ngày 26.7.2017 ở nhà thờ Tân Định lúc 18g00.

- Trong tháng 11 có hai chương trình: Ngày đầu tháng, cầu cho các nhân viên y tế đã qua đời; và đồng hành với cộng đồng những người có thân nhân qua đời.

- Ngày Tĩnh tâm Mùa Vọng sẽ là 13.2.2018.

Kế tiếp là phần trình bày ngắn gọn của bác sĩ Phạm Thế Hiển về "Phục hồi chức năng cho trẻ bại não". Ở VN, trẻ bại não bị quên lãng vì ở trong nhà không có ra ngoài xã hội, tỷ lệ là 1/100. Hiện có một dự án chăm sóc toàn diện và quan tâm hòa nhập cho khoảng 30 trẻ tại Hóc Môn. Giới trẻ ngành Y cộng tác sẽ được huấn luyện bởi hai chuyên viên Hà Lan. Những ai muốn tham gia xin liên lạc với Bs Hiển.

Tổng kết ba câu hỏi:

1. Giữa một xã hội vô cảm ngày nay, có rất nhiều người nghèo với thương tích đang bị lãng quên. Ngay cả nhân viên y tế cũng bị tổn thương vì sự không thấu hiểu của người chung quanh. Tuy rằng có trường hợp giả dối nhiều lần khiến con người vô cảm, nhưng cũng đừng vì vậy mà bỏ qua những người bị tổn thương thật sự.

2. Bịnh viện ngày nay cũng là 'quán trọ' nơi nhiều người bị tổn thương được đưa đến để được chữa lành và cũng ít được sự gần gũi, hiện diện thật sự. Nhân viên YTCG là người nhận ra, đồng cảm, an ủi và đồng hành với họ, đặc biệt nếu họ là người Công giáo thì khuyên họ phó thác nơi Chúa.

3. Giới YTCG phục vụ trải rộng khắp nơi, như BV Chợ Rẫy có đến 400 người, nếu có thể gặp gỡ liên kết với nhau để phục vụ bịnh nhân và thăng tiến trong đời sống thiêng liêng thì nguồn lực sẽ được tăng lên nhiều hơn. Vì 'cả nhóm người cùng đi thì đường xa cũng hóa gần'.

Lm GB Toại đã kết thúc buổi họp mặt và chúc lành cho anh chị em YTCG vào lúc 11g40.

Được biết, tại VN, Dòng Camillô đã chính thức được công nhận vào năm 2007. Nơi các phòng khám miễn phí và các cơ sở y tế xã hội, các tu sĩ Camillô đã sống linh đạo của mình trong việc chăm sóc, chữa trị và phục vụ người bệnh, các trẻ mồ côi nhiễm HIV. Các tu sĩ thường học ngành Y trước khi vào nhà Tập. Hiện nay, Dòng có 80 tu sĩ.

Bài: Tocngank1

Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20170724/39348

Chia sẻ:
Tuần tin Hội đồng Giám mục Việt Nam số 40 /2016